NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Lý, Anh văn
1. CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Ngành học Quản lý đất đai trang bị cho sinh viên những kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai, đánh giá và quản lý sử dụng đất theo pháp luật.
Sinh viên tốt nghiệp có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo pháp luật hiện hành, có khả năng tiếp cận thực tế của ngành, khả năng làm việc nhóm, khả năng truyền đạt thông tin… có thể giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn một cách độc lập; nắm vững công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị đo đạc, các phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác quản lý đất đai; có khả năng xây dựng, điều hành và quản lý các dự án về sử dụng đất.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong mạng lưới địa chính từ trung ương đến địa phương, các Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Tài nguyên Môi trường, các Trung tâm kỹ thuật địa chính, Trung tâm lưu trữ, Trung tâm kinh doanh địa ốc, Trung tâm tư vấn pháp luật đất đai, Trung tâm nghiên cứu đất, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, các Ban Quản lý đô thị... hay các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các Trường Đại học, Cao đẳng, THCN có ngành đào tạo liên quan.
2. CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Đào tạo kỹ sư có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực quản lý, đáp ứng với yêu cầu phát triển thị trường bất động sản hiện tại và trong tương lai, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế nước nhà.
Sinh viên được trang bị những kiến thức căn bản về kinh tế học, quản trị kinh doanh căn bản, kiến trúc và xây dựng, về quy hoạch (như quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị và khu dân cư nông thôn) và phát triển cơ sơ hạ tầng, pháp luật đất đai và bất động sản, tín dụng-ngân hàng, tin học ứng dụng, cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống thông tin đất (LIS), khoa học đất cơ bản, kỹ thuật trắc địa, kỹ thuật bản đồ và bản đồ địa chính, đánh giá đất và phân hạng đất, đánh giá tác động môi trường…
Sinh viên có khả năng tiếp cận thị trường bất động sản, khả năng truyền đạt thông tin; có thể giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn một cách độc lập; thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về bất động sản theo luật định; nắm vững công nghệ, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác quản lý; có khả năng xây dựng, điều hành và quản lý các dự án kinh doanh bất động sản; có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý thị trường bất động sản theo pháp luật hiện hành;
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác trong ngành địa chính và các ngành liên quan đến quản lý sử dụng đất đai và bất động sản trong hệ thống từ trung ương đến địa phương, các công ty kinh doanh bất động sản...
3. CHUYÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ ĐỊA CHÍNH
Bộ Tài Nguyên Môi trường đã cho ý kiến như sau: “Việc mở ngành học công nghệ địa chính tại trường Đại học Nông Lâm TP.HCM là cần thiết. Nội dung đào tạo của trường có cơ sở khoa học, đáp ứng nhu cầu hiện tại và lâu dài của ngành về lĩnh vực công nghệ trong quản lý đất đai”.
Ngành học Công nghệ địa chính đào tạo về lĩnh vực khoa học kỹ thuật sử dụng các thiết bị thu nhận, xử lý thông tin để xác định hình thức đặc trưng hình học của thửa đất và các thông tin địa lý, các yếu tố mặt đất có liên quan, qua đó quản lý hệ thống địa chính đồng thời cập nhật, chỉnh lý biến động địa chính trong hệ thống tọa độ quốc gia thống nhất.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành công nghệ địa chính sẽ góp phần đắc lực trong việc thực hiện tốt Luật đất đai 2013, tham gia trong việc thành lập bản đồ địa chính và xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính phục vụ đắc lực cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng với với cả lĩnh vực đo đạc địa hình, công trình dân dụng, công nghệ định vị toàn cầu (GPS).
4. CHUYÊN NGÀNH ĐỊA CHÍNH VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
Ngành học này đào tạo kỹ sư Quản lý đất đai và đô thị (Địa chính và Quản lý Đô thị) có phẩm chất đạo đức tốt, có nhận thức đúng đắn về chính trị, hiểu biết về xã hội, sức khỏe tốt, có kiến thức hiện đại và nắm vững chuyên môn nghiệp vụ về quản lý đất đai, gắn kết tốt với công tác quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa và xây dựng đất nước theo con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan Tài nguyên - Môi trường, cơ quan Quản lý đô thị từ Trung ương đến địa phương (cấp phường xã, thị trấn), các Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học, dịch vụ liên quan đến đất đai, đô thị, các cơ sở đào tạo: Viện, Trường Đại học, Cao đẳng, THCN và các ngành nghề có liên quan.
Số lần xem trang: 4291
Điều chỉnh lần cuối: 20-07-2016