Thống kê


Đang xem 144
Toàn hệ thống: 1146
Trong vòng 1 giờ qua

Tư vấn trực tuyến

Tuyển sinh đào tạo sau đại học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2007

Số tư liệu: 2095/TB-BGDĐT
Ngày ban hành: 14-03-2007
Tệp đính kèm: hb_da322.zip

Ngày 14 tháng 03 năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký thông báo số 2095/TB-BGDĐT về việc tuyển sinh đào tạo sau đại học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước năm 2007.

Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (theo quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đào tạo sau đại học năm 2007 như sau:

1. Số lượng tuyển sinh sau đại học:

Năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tuyển chọn gửi đi đào tạo toàn thời gian khóa học ở nước ngoài 150 tiến sĩ, 50 thạc sĩ (trong đó dành không quá 50 chỉ tiêu tiến sĩ và thạc sĩ đi Hoa Kỳ sẽ nộp hồ sơ tuyển sinh tại Bộ), 30 chỉ tiêu thực tập đến 6 tháng dành cho nghiên cứu sinh trong nước và người hướng dẫn. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo dành khoảng 90 chỉ tiêu để đào tạo một phần thời gian ở Việt Nam, một phần thời gian ở nước ngoài cho các đề án đào tạo phối hợp và 30 chỉ tiêu thực tập dành cho giảng viên chương trình tiên tiến (có hướng dẫn và thông báo riêng).

2. Đối tượng tuyển sinh sau đại học:

Các giảng viên, cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý khoa học - kỹ thuật, trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (loại từ 12 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn, có đóng bảo hiểm xã hội), đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm công nghệ cao, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Học viên cao học và nghiên cứu sinh trong nước không đăng ký dự tuyển đi học thạc sĩ theo Đề án này. Người đang làm nghiên cứu sinh trong nước năm thứ nhất có thể đăng ký dự tuyển đi học tiến sĩ.

Thí sinh muốn dự tuyển để học tập và nghiên cứu theo phương thức đào tạo phối hợp sẽ đăng ký dự tuyển theo thông báo của các cơ sở có đề án đào tạo phối hợp.

3. Các ngành đào tạo sau đại học:

Nhà nước gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học ở những nhóm ngành sau đây:

  • Nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ.                                     
  • Nhóm ngành khoa học tự nhiên.     
  • Nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản.
  • Nhóm ngành kinh tế - quản lý.
  • Nhóm ngành y-dược.
  • Nhóm ngành nghệ thuật.
  • Nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn.

(Danh mục ngành đào tạo cụ thể xem Phụ lục II kèm theo. Riêng đăng ký đi Hoa Kỳ có phân biệt thành hai nhóm theo ngành đào tạo. Xem chi tiết mục 6.

4. Nước gửi đi đào tạo:

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến gửi lưu học sinh đi đào tạo sau đại học ở các nước: Anh, Pháp, Đức, Nga, Hoa Kỳ, Canađa, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước và vùng lãnh thổ khác, trong đó đối với Liên bang Nga và các nước Đông Âu chỉ gửi đi đào tạo tiến sĩ.

5. Điều kiện và tiêu chuẩn của người xin dự tuyển:        

5.1. Điều kiện chung: có phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn giỏi; đủ sức khỏe để học tập; cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và sau khi kết thúc quá trình đào tạo ở nước ngoài sẽ trở về phục vụ tại cơ sở đã cử đi học hoặc làm việc theo yêu cầu của Nhà nước, nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về nước phục vụ sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước. Cam kết phải được bảo lãnh của cơ quan hoặc gia đình hay người bảo trợ của người được cử đi học.

Những người đã đi học ở nước ngoài theo các học bổng của Nhà nước Việt Nam sau khi tốt nghiệp về nước phải có thời gian làm việc trong nước ít nhất 2 năm trở lên mới được đăng ký dự tuyển theo Đề án này, trừ trường hợp được chuyển tiếp sinh. Tỉ lệ chuyển tiếp sinh khoảng 7% tổng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm.

5.2. Điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể đối với các trình độ đào tạo:

5.2.1 Đào tạo tiến sĩ:

- Tuyển những người đang làm việc tại các đơn vị nêu ở mục 2 (trừ các doanh nghiệp).

- Có đủ 24 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi, kể từ khi tốt nghiệp đại học và hiện có hợp đồng lao động ít nhất đến ngày 30/6/2007 (không kể thời gian đi học dài hạn tập trung từ một năm trở lên).

- Tuổi dưới 40 (sinh năm 1968 trở lại đây).

- Có thành tích nghiên cứu khoa học thể hiện qua các bài báo đăng trên tạp chí khoa học, hoặc báo cáo tại một hội nghị khoa học cấp trường trở lên được đăng trong kỷ yếu hội nghị; hoặc tham gia đề tài nghiên cứu cấp Bộ trở lên và đề tài đó đã được nghiệm thu hoặc sử dụng. .

- Có bằng đại học (loại giỏi trở lên) hoặc bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký học tiến sĩ.

- Có đủ trình độ ngoại ngữ để sử dụng trong học tập tại nước đăng ký đến học (xem chi tiết tại mục 6).

- Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý và có công văn cử đi dự thi.

5.2.2. Đào tạo thạc sĩ:

- Tuyển những người đang làm việc tại các đơn vị nêu ở mục 2.

- Có đủ 12 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi, kể từ khi tốt nghiệp đại học và có hợp đồng lao động đến ngày 30/6/2007.

- Tuổi dưới 35 (sinh năm 1973 trở lại đây).

- Có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành đăng ký học thạc sĩ.

- Có đủ trình độ ngoại ngữ để sử dụng trong học tập tại nước đăng ký đến học (xem chi tiết tại mục 6).

- Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý và có công văn cử đi dự thi.

5.2.3. Thực tập sinh (TTS) khoa học :

- Tuyển những người đang là nghiên cứu sinh trong nước, người hướng dẫn nghiên cứu sinh, và đang là cán bộ trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn ở các cơ quan nêu ở mục 2.

- Tuổi dưới 50 (sinh năm 1958 trở lại đây).

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

- Thông thạo ngoại ngữ sẽ sử dụng trong thực tập tại nước đăng ký đến học (xem chi tiết tại mục 6).

- Có đề cương thực tập chi tiết.

- Được cơ sở đào tạo tiến sĩ có công văn cử đi dự tuyển và cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý.

6. Các môn thi tuyển và kiểm tra ngoại ngữ:

6.1. Nhóm 1: gồm những người đăng ký đi các nước (trừ Hoa Kỳ); người đăng ký đi Hoa Kỳ học thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - quản lý, y - dược, nghệ thuật và thực tập sinh tất cả các ngành:

6.1.1. Người dự tuyển đi học tiến sĩ: thi môn ngoại ngữ, chuyên ngành và bảo vệ đề cương nghiên cứu.

6.1.2. Người dự tuyển đi học thạc sĩ: thi môn ngoại ngữ, môn cơ bản và môn cơ sở.

Đối với ngành y, nghệ thuật có thể thi thêm môn chuyên ngành theo yêu cầu của Hội đồng thi.

(Danh mục môn thi cơ bản, cơ sở, chuyên ngành xem Phụ lục II kèm theo).

6.1.3. Người dự tuyển đi thực tập sinh: thi môn ngoại ngữ và bảo vệ đề cương thực tập.

6.1.4. Các môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành, đề cương do các trường đại học (được Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ nhiệm) tổ chức thi.

6.1.5.  Kiểm tra ngoại ngữ

- Người dự tuyển đăng ký đi Pháp và học tập bằng tiếng Pháp không phải dự kiểm tra tiếng Pháp; sau khi trúng tuyển về chuyên môn sẽ được Đại sứ quán Pháp tổ chức kiểm tra và dạy thêm tiếng Pháp tại Việt Nam đạt yêu cầu trước khi lên đường.

- Người dự tuyển đăng ký đi Nga và Trung Quốc không phải dự kiểm tra ngoại ngữ; tuy nhiên cần có sự chuẩn bị trước về ngoại ngữ. Người trúng tuyển sẽ được học ngoại ngữ tại nước bạn.

- Người dự tuyển đăng ký các nước còn lại và sẽ sử dụng tiếng Anh trong học tập (có thể đăng ký đi Pháp làm tiến sĩ bằng tiếng Anh, đăng ký đi Đức học thạc sĩ và tiến sĩ bằng tiếng Anh) sẽ do Viện Giáo dục quốc tế IIE tổ chức kiểm tra tiếng Anh (TOEFL nội bộ) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 5/2007.

6.1.6. Những trường hợp được miễn kiểm tra ngoại ngữ:

- Người có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài nay đăng ký trở lại nước đó học tập; hoặc ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập ở nước ngoài để đạt một trong các văn bằng nêu trên trùng hợp với ngôn ngữ sẽ sử dụng trong học tập ở nước đăng ký đi học lần này.

­ Người có chứng chỉ TOEFL quốc tế (hoặc nội bộ do IIE cấp) đạt 550 điểm hoặc IELTS 6.0 trở lên nếu đăng ký đi các nước sử dụng tiếng Anh trong học tập và nghiên cứu. Ngày dự thi lấy chứng chỉ là sau 30/6/2005.

­ Người dự tuyển đăng ký đi Đức và sẽ sử dụng tiếng Đức trong học tập có chứng chỉ tiếng Đức ZD cấp độ 3 hoặc tương đương do Viện Goethe cấp; đi các nước và khu vực nói tiếng Pháp có chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 (hoặc DELF 1er degré Unité A3+A4) hoặc TCF Niveau 3 trở lên. Ngày dự thi lấy chứng chỉ là sau 30/6/2005.

6.2. Nhóm 2: gồm những người đăng ký đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại Hoa Kỳ các ngành khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Nông nghiệp và Y tế công cộng (dự kiến từ năm 2008 sẽ mở rộng ra tất cả các ngành đào tạo) sẽ qua 2 vòng tuyển chọn:

6.2.1. Vòng 1: Người dự tuyển sẽ dự kiểm tra một môn chuyên môn chính (Major Fields Test - MFT) là môn Toán (Mathematics) và tiếng Anh TOEFL do Viện Giáo dục quốc tế IIE tổ chức. Người có chứng chỉ TOEFL quốc tế (hoặc nội bộ do IIE cấp) đạt 500 điểm trở lên, dự thi sau ngày 30/6/2005 không phải dự kiểm tra TOEFL kỳ này.

Dạng thức, cách thi, hướng dẫn thi,… của môn Toán có thể tìm hiểu tại www.ets.org à Major Fields Test.

6.2.2. Vòng 2: Những người đạt TOEFL 500 điểm trở lên và thuộc nhóm 50% thí sinh có điểm môn Toán cao hơn trong mỗi ngành học sẽ được yêu cầu khai hồ sơ trực tiếp trên mạng để gửi cho các giáo sư Viện Hàn lâm Hoa Kỳ xem xét lựa chọn mời dự kỳ thi vấn đáp. Kỳ thi vấn đáp được tiến hành bằng tiếng Anh bởi các giáo sư và các nhà khoa học Hoa Kỳ. Thời gian thi vấn đáp cho mỗi ứng viên là 45 phút. Sau kỳ thi vấn đáp này, các nhà khoa học Hoa Kỳ sẽ giới thiệu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo những thí sinh đủ tiêu chuẩn để xét cấp học bổng.

6.2.3. Các thí sinh được cấp học bổng thông qua sự giới thiệu của các nhà khoa học Hoa Kỳ còn phải thi lấy chứng chỉ GRE (Graduate Record Examination) và chứng chỉ TOEFL quốc tế để lập hồ sơ xin học tại trường đại học Mỹ.

7. Đăng ký dự tuyển và nguyên tắc tuyển chọn:

7.1. Đối với Nhóm 1:

Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ nhiệm cho 18 trường đại học tổ chức việc thi tuyển sinh sau đại học ngoài nước cùng với kỳ thi tuyển sinh sau đại học trong nước. Chỉ tiêu phân bổ cho từng trường (Hội đồng tuyển sinh) là chỉ tiêu chung cho cán bộ dự thi tại trường đó, không phân biệt cơ quan công tác, không hạn chế số lượng đăng ký dự thi cho một chỉ tiêu.

Danh sách các trường được uỷ nhiệm tổ chức thi và chỉ tiêu tuyển chọn tại mỗi trường xem Phụ lục I kèm theo.

7.1.1. Đăng ký dự tuyển:

- Những người thuộc đối tượng tuyển chọn nêu trong mục 2, thoả mãn các điều kiện và tiêu chuẩn tuyển chọn nêu trong mục 5 của thông báo này đều được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại một trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển có chuyên ngành phù hợp và thuận lợi về mặt địa lý.

- Người dự tuyển được đăng ký 2 nguyện vọng về nước đến học và xếp theo thứ tự ưu tiên 1 và 2, nhưng phải phù hợp về yêu cầu ngoại ngữ.

7.1.2. Nguyên tắc tuyển chọn:

- Để được tuyển chọn, người dự tuyển phải có tất cả các môn thi đạt điểm 5 trở lên mỗi môn (theo thang điểm 10); bảo vệ đề cương đạt yêu cầu (5/10 điểm); ngoại ngữ đạt điểm như yêu cầu đối với chứng chỉ được miễn kiểm tra nêu trong mục 6.1.6.

- Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đã được phân bổ, Hội đồng tuyển sinh phân chỉ tiêu cho từng ngành (chú ý các ngành ưu tiên) và tuyển chọn người trúng tuyển theo tổng số điểm các môn thi (cơ bản, cơ sở, chuyên ngành) từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu quy định. Đối với người dự tuyển đi học tiến sĩ còn được xét theo mức độ giá trị của các công trình khoa học và việc này do Tiểu ban chấm đề cương đánh giá. Ưu tiên đối với những người có công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy  tín quốc tế, nhất là đối với người đã tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài. 

- Sau khi xét tuyển xong, các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển báo cáo kết quả thi, kết quả xét tuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban Điều hành Đề án 322). Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định danh sách những người trúng tuyển.

7.2. Đối với Nhóm 2:

- Thí sinh thuộc Nhóm 2 sẽ được tuyển chọn theo quy trình và hưởng các chế độ, kể cả mức sinh hoạt phí, tương tự như thí sinh của chương trình học bổng thuộc Quỹ Giáo dục dành cho Việt Nam (VEF) nếu trúng tuyển và được một trường đại học Hoa Kỳ nhận.

- Chỉ tiêu tuyển đi học sau đại học (cả thạc sĩ và tiến sĩ) tại Hoa Kỳ cho Nhóm 2 là 50 chỉ tiêu. Không hạn chế hồ sơ đăng ký dự tuyển.

- Thí sinh cần đăng ký thi môn Toán trước 15 giờ ngày 05/4/2007, theo mẫu tại Phụ lục IV, chưa cần xác nhận của cơ quan, chưa cần nộp hồ sơ, về số fax. 04.8683247 hoặc e-mail: vtklien@moet.gov.vn.

- Hồ sơ dự tuyển (như mục 8.2) nộp cho Văn phòng Ban Điều hành Đề án 322, Phòng 801A, nhà A, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội, trước ngày 15/4/2007 (không phải nộp hồ sơ và không phải dự thi tại các Hội đồng tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền). Nếu thí sinh không trúng tuyển thì Ban Điều hành Đề án 322 không trả lại hồ sơ.

- Để có thông tin chi tiết hơn, thí sinh có thể liên hệ với một trong các địa chỉ: tien.phamsy@gmail.com; vtklien@moet.gov.vn; ntlhuong@moet.gov.vn.

- Vòng 1 (thi Toán và TOEFL) dự kiến tổ chức vào ngày 06 và 07/5/2007 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

- Những thí sinh đạt yêu cầu vòng 1 sẽ khai hồ sơ chuẩn bị vào vòng 2. Hồ sơ này sẽ khai trên mạng từ ngày 14/5 đến ngày 31/5/2007 tại địa chỉ http://application.vef.gov/322project/ để gửi sang Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. Trong hồ sơ này, quan trọng nhất là bài tiểu luận bằng tiếng Anh mà các thí sinh cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Bài tiểu luận cần trình bày những lý do tại sao muốn xin học chương trình sau đại học tại Hoa Kỳ bằng học bổng của Chính phủ Việt Nam, kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu, những kế hoạch trong tương lai. Có thể tìm hiểu chi tiết tại địa chỉ www.vef.gov.

- Vòng 2 (thi vấn đáp) dự kiến tổ chức vào ngày 8, 9/8/2007 tại Hà Nội và ngày 13, 14/8/2007 tại TP Hồ Chí Minh).

- Những thí sinh được các giáo sư Hoa Kỳ giới thiệu sẽ được xếp theo điểm do các giáo sư đánh giá từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

7.3. Thời hạn giá trị của kết quả trúng tuyển:

- Kết quả trúng tuyển có giá trị trong vòng hai năm kể từ ngày ký quyết định trúng tuyển đến ngày nhập học theo giấy tiếp nhận của trường bạn. Căn cứ vào ngành nghề và nước đến học, Bộ Giáo dục và Đào sẽ tìm trường và khoá học phù hợp cho người trúng tuyển.

- Người trúng tuyển nhưng không đi học nước ngoài vì lý do chính đáng, nếu có nguyện vọng thì trong thời gian không quá hai năm kể từ ngày dự thi được xét chuyển vào học trong nước.

8. Hồ sơ dự tuyển:

8.1. Đối với Nhóm 1, hồ sơ gồm:

1- Phiếu đăng ký dự thi (mẫu tại Phụ lục III kèm theo).

2- 02 ảnh 4x6.

3- Bản sao hợp lệ giấy khai sinh.

4- Bản sao hợp lệ bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bảng điểm kèm theo (nếu có).

5- Bản sao tất cả các hợp đồng lao động đã có kèm theo bản sao sổ đóng bảo hiểm có xác nhận của cơ quan bảo hiểm, quyết định tuyển dụng hoặc thuyên chuyển công tác (nếu có) để chứng minh thời gian công tác chuyên môn.

6- Người dự thi đi làm tiến sĩ cần phải có: bản kê khai các công trình khoa học đã công bố cùng bản sao các công trình đó (nếu là bài báo hoặc báo cáo khoa học: toàn văn bài báo, trang bìa, trang mục lục của số tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị đăng bài; nếu là đề tài: bản đăng ký đề tài, báo cáo nghiệm thu, biên bản nghiệm thu).

7- Bản sao chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có, như nêu trong mục 6.1.6).

8- Đề cương nghiên cứu (xem gợi ý trình bày ở Phụ lục V kèm theo).

9- Lý lịch có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ.

10- Công văn cử đi dự thi do Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ ký.

8.2. Đối với Nhóm 2, hồ sơ gồm:

1- Phiếu đăng ký dự thi (mẫu tại Phụ lục IV kèm theo).

2- Bản sao hợp lệ giấy khai sinh.

3- Bản sao hợp lệ bằng đại học, bằng thạc sĩ (nếu có), bảng điểm kèm theo.

4- Bản sao tất cả các hợp đồng lao động đã có kèm theo bản sao sổ đóng bảo hiểm có xác nhận của cơ quan bảo hiểm, quyết định tuyển dụng hoặc thuyên chuyển công tác (nếu có) để chứng minh thời gian công tác chuyên môn.

5- Bản kê khai các công trình khoa học đã công bố cùng bản sao các công trình đó.

6- Bản sao chứng chỉ TOEFL (nếu có).

7- Lý lịch có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ.

8- Công văn cử đi dự thi do Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ ký.

8.3. Mọi giấy tờ, bản sao văn bằng, chứng chỉ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy. Các giấy tờ đựng trong một túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, ngoài túi ghi danh mục các loại giấy tờ có trong túi. Những hồ sơ không đủ các giấy tờ nêu trên là hồ sơ không hợp lệ. Những người khai hồ sơ dự thi không đúng sự thực sẽ bị xử lý theo pháp luật.    

9. Nộp hồ sơ và lệ phí, thời gian thi và báo cáo kết quả thi (cho Nhóm 1):

Mức thu lệ phí đăng ký thi và lệ phí thi theo quy định của Bộ Tài chính. Hồ sơ dự tuyển nộp cùng lệ phí đăng ký dự thi (có thể nộp riêng từng hồ sơ hoặc theo cơ quan, Bộ/Ngành chủ quản).

Thời hạn nộp hồ sơ: theo quy định của trường tổ chức thi.

Sau khi xét hồ sơ dự tuyển, các trường đại học sẽ gửi giấy báo cho thí sinh về thời gian và địa điểm thi cụ thể. Đề cương ôn tập các môn thi tuyển nhận tại các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi.

Người dự tuyển thuộc diện phải kiểm tra tiếng Anh cần đăng ký dự kiểm tra tiếng Anh với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Văn phòng Ban Điều hành Đề án 322, phòng 801A nhà A, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, số 3 Công trường Quốc tế, quận 3; hoặc qua fax 04.8683247, e-mail: vtklien@moet.gov.vn, trong đó cần ghi rõ dự thi tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh) trước ngày 15/4/2007.

Thời gian thi các môn và đề cương: dự kiến vào các ngày 4, 5, 6/5/2007.

Thời gian kiểm tra tiếng Anh (TOEFL nội bộ): dự kiến vào ngày 13/5/2007 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thời gian các Hội đồng nộp kết quả xét tuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo: trước ngày 01/7/2007. Các Hội đồng phải nộp báo cáo đúng thời hạn và theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học, các viện nghiên cứu, các Bộ, Ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố thông báo công khai cho mọi giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ công chức biết, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cán bộ đáp ứng các điều kiện được đăng ký dự tuyển. Các trường đại học được uỷ nhiệm thi tuyển sẽ có thông báo chi tiết về việc tổ chức thi.

 


 

TÓM TẮT NHỮNG ĐIỂM MỚI CHO THÍ SINH ĐĂNG KÝ ĐI HỌC SĐH TẠI HOA KỲ THEO HỌC BỔNG 322 NĂM 2007

1. Chỉ tiêu và trình độ đào tạo:   50 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ

(Cùng một thủ tục và quy trình tuyển chọn. Thí sinh có thể bày tỏ ý định chỉ đi học thạc sĩ, hoặc sẽ do các giáo sư Hoa Kỳ sau khi phỏng vấn khuyến nghị nên đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ).

2. Các ngành đào tạo: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ, nông – lâm – ngư nghiệp, y tế công cộng.

(Thí sinh đăng ký đi học các ngành khác vẫn theo quy trình và thủ tục tuyển chọn như các năm trước và nộp hồ sơ cho các Hội đồng thi tuyển do Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy nhiệm).

3. Điều kiện đăng ký: nếu có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên có thể đăng kí đi học tiến sĩ dù chưa có bằng thạc sĩ.

4. Các môn thi tuyển:  người dự tuyển sẽ qua 2 vòng tuyển chọn:

4.1. Vòng 1: kiểm tra một môn chuyên môn chính (Major Field Test - MFT) là môn Toán và TOEFL do Viện Giáo dục quốc tế IIE tổ chức.

Dạng thức, cách thi, hướng dẫn thi môn Toán tìm hiểu tại www.ets.org à Major Fields Test.

Người có chứng chỉ TOEFL quốc tế (hoặc nội bộ do IIE cấp) đạt 500 điểm, dự thi sau ngày 30/6/2005 không phải dự kiểm tra TOEFL kỳ này.

4.2. Vòng 2: thi vấn đáp bằng tiếng Anh với các giáo sư và các nhà khoa học Hoa Kỳ, gồm những người:

- đạt TOEFL 500 điểm trở lên;

- có điểm môn Toán thuộc nhóm 50% thí sinh có điểm cao hơn trong mỗi ngành học;

- đã khai hồ sơ trực tiếp trên mạng để gửi cho các giáo sư Viện Hàn lâm Hoa Kỳ xem xét lựa chọn mời dự thi vấn đáp.

Thời gian thi vấn đáp cho mỗi ứng viên là 45 phút. Các nhà khoa học Hoa Kỳ sẽ giới thiệu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo những thí sinh đủ tiêu chuẩn để xét cấp học bổng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

4.3. Các thí sinh được xét cấp học bổng thông qua sự giới thiệu của các nhà khoa học Hoa Kỳ còn cần phải thi lấy chứng chỉ GRE và chứng chỉ TOEFL quốc tế để lập hồ sơ hồ sơ xin học theo yêu cầu của trường đại học Mỹ.

Nếu được nhận học, thí sinh sẽ được hưởng học bổng theo chế độ tương tự như sinh viên của VEF.

5. Các bước cần làm để dự tuyển và nộp hồ sơ cho trường ĐH Mỹ:

5.1. Đăng ký thi môn Toán trước 15 giờ ngày 05/4/2007 qua fax. 04.8683247 hoặc e-mail: vtklien@moet.gov.vn.

5.2. Nộp hồ sơ đầy đủ về Văn phòng Ban Điều hành 322 trước ngày 15/4/2007 (không phải nộp hồ sơ và không phải dự tuyển tại các trường được Bộ ủy nhiệm).

5.3. Dự thi Toán và TOEFL: dự kiến vào 06, 07/5/2007 tại Hà Nội và TP HCM.

5.4. Khai hồ sơ trên mạng từ 14/5 đến 31/5/2007 (dành cho những thí sinh đạt yêu cầu vòng 1, sẽ được Ban Điều hành 322 và VEF hướng dẫn) tại địa chỉ http://application.vef.gov/322project.

Trong hồ sơ này, quan trọng nhất là bài tiểu luận bằng tiếng Anh mà các thí sinh cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Bài tiểu luận trình bày những lý do tại sao muốn xin học chương trình sau đại học tại Hoa Kỳ bằng học bổng của Chính phủ Việt Nam, kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu, những kế hoạch trong tương lai. Chi tiết có thể tìm hiểu tại địa chỉ www.vef.gov.

5.5. Thi vấn đáp với giáo sư Hoa Kỳ: dự kiến ngày 8, 9/8/2007 tại Hà Nội và ngày 13, 14/8/2007 tại TP Hồ Chí Minh. Các GS Hoa Kỳ sẽ có thư giới thiệu cho các thí sinh được lựa chọn. Bộ sẽ cung cấp cho thí sinh danh sách những trường ĐH Mỹ mà thí sinh cần nộp hồ sơ xin học.

Thi GRE – Graduate Record Examination (liên hệ với IIE để đăng kí ngày thi phù hợp). Lập hồ sơ gửi đến các trường đại học Mỹ theo danh sách đã nêu.

Số lần xem trang: 2382
Điều chỉnh lần cuối:

Học bổng học phí

Quyết định và Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK2/2012-2013 (bổ sung lần cuối) (22-11-2013)

Quyết định và Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK2/2012-2013 (bổ sung) (25-10-2013)

Quyết định và Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK2/2012-2013 (05-10-2013)

Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK2/2012-2013 (đã chỉnh sửa) (01-08-2013)

Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK2/2012-2013( dự kiến) (09-07-2013)

Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK1/2012-2013 (dự kiến) (19-11-2012)

Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK2/2011-2012( chỉ xem) (30-03-2012)

Danh sách sinh viên nhận học bổng Khuyến khích học tập HK1/2011-2012 (28-10-2011)

Thông báo về việc miễn giảm học phí theo nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Thông tư Liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH (07-12-2010)

Quy định mới về chính sách học bổng học phí của Chính phủ (22-09-2010)

Xem thêm ...

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : tám một tám hai sáu

Xem trả lời của bạn !

logolink